Xã hội

Cát tặc lộng hành ở Quảng Ngãi, trách nhiệm thuộc về ai?

23/08/2023, 16:52

Cát tặc hoành hành trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, song việc xử lý đối với vấn nạn trên chưa quyết liệt dẫn đến “lờn thuốc”.

Để cát tặc lộng hành gây thất thoát tài nguyên

Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng, tình trạng cát tặc hoành hành trên sông Trà Khúc cả ngày lẫn đêm cho thấy việc vào cuộc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền tại Quảng Ngãi chưa thực sự nghiêm túc, quyết liệt.

img

Luật sư Nguyễn Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng.

Việc truy quét "cho có" khiến các đối tượng khai thác cát lậu “lờn thuốc”. Bên cạnh đó, việc để các đối tượng khai thác cát lậu hoành hành còn gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Theo LS Sương, Điều 18 Luật Khoáng sản 2010 và Điều 17, điều 18, Nghị định 158 của Chính phủ quy định về công tác quản lý khoáng sản, đối chiếu với tình trạng khai thác cát lậu diễn ra rầm rộ trên sông Trà Khúc thời gian qua, trước hết trách nhiệm thuộc về UBND các cấp từ xã đến tỉnh.

Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý, hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.

"Việc để nạn cát tặc hoành hành kéo dài trên Sông Trà Khúc đoạn qua thành phố Quảng Ngãi, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Trong trường hợp này có thể do sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý không triệt để trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn", luật sư Sương nhận định.

img

Theo luật sư, nạn khai thác cát lậu diễn ra rầm rộ trên sông Trà Khúc thời gian qua trước hết trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND các cấp từ xã đến tỉnh.

Mức độ xử lý đối với người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ ở chính quyền địa phương cần tương xứng với hành vi, hậu quả, thiệt hại xảy ra.

Cụ thể ở đây lãnh đạo UBND cấp huyện và xã có thể bị xử lý kỷ luật, trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” theo Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015, hoặc các tội phạm khác liên quan đến chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Đủ yếu tố để xử lý hình sự với mức phạt từ 3-7 năm tù

Để chống cát tặc, chính quyền cấp huyện tại Quảng Ngãi như Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi đã triển khai các giải pháp như chôn trụ bê tông, bi cống, ụ bê tông có trọng lượng lớn đặt giữa các tuyến đường dân sinh nối từ đường giao thông chính xuống bãi bồi sông Trà Khúc.

Đồng thời, chính quyền TP Quảng Ngãi còn đề xuất giải pháp chi tiền mua camera lắp đặt tại các khu vực có tụ điểm khai thác cát lậu; lập trạm canh và cử người túc trực 24/24.

Tuy nhiên, tại một số nơi, sau khi chính quyền chôn trụ bê tông, các đối tượng khai thác cát lậu lại mở đường đi mới ngay sát bên cạnh để đưa phương tiện xuống bãi bồi khai thác cát.

img

Chính quyền TP Quảng Ngãi đổ các ụ bê tông khủng giữa các lối đi từ đường chính xuống sông Trà Khúc ngăn cát tặc.

LS Sương cho rằng, hiện nay chưa có quy định về việc lắp đặt camera hoặc lập trạm canh gác để giám sát, phát hiện “cát tặc”. Tuy nhiên, theo Điều 17 Nghị định 158 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giao Sở TN&MT tổng hợp, lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt “Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương” theo định mức chi ngân sách do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Do đó, phương án lắp đặt camera và lập các trạm cử người canh gác là phù hợp với thực tế.

Bên cạnh các giải pháp hành chính để ngăn chặn nạn khai thác cát lậu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ đạo cơ quan công an củng cố hồ sơ, khởi tố các đối tượng tái phạm việc khai thác cát lậu. Đồng thời, tịch thu phương tiện phục vụ khai thác cát kể cả xe tải, máy đào.

Theo LS Sương, việc UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra giải pháp cứng rắn nhằm xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát lậu như khởi tố hình sự đối tượng tái phạm là có cơ sở.

Cụ thể, đối với các cá nhân, tổ chức khai thác cát trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành “Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.

Cá nhân phạm tội có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỷ đồng hoặc phạt từ 2 - 7 năm tù. Đối với pháp nhân thương mại có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Cũng theo LS Sương, trong trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 - 200 triệu đồng tuỳ vào khối lượng khoáng sản khai thác trái phép theo Điều 48 Nghị định số 36 của Chính phủ. Đối với tổ chức, mức phạt tiền sẽ gấp đối so với cá nhân.

img

Các đối tượng khai thác cát lậu có thể bị phạt tù từ 2-7 năm tù.

“Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật là khoáng sản, tịch thu phương tiện sử dụng (kể cả phương tiện khai thác trực tiếp và phương tiện tham gia gián tiếp) để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải tạo, phục hồi môi trường, đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật”, luật sư Sương cho hay.

Theo các chuyên gia trợ giúp pháp lý, để xử lý triệt để vấn nạn cát tặc, thất thoát tài nguyên, ngành chức năng địa phương phải vào cuộc quyết liệt, thường xuyên và đồng bộ. Cát tặc cần địa điểm khai thác, hành trình vận chuyển và địa điểm tiêu thụ. Từ mỗi khâu đoạn này sẽ kéo theo vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan như UBND địa phương, ngành TNMT, công tác TTKS xử lý hành vi vận chuyển cát khi không có pháp lý, ngành thuế trong việc xử lý mua bán không hoá đơn, chứng từ hoặc lấp khống hồ sơ, nạn mua bán hoá đơn để hợp thức hoá hồ sơ giải ngân, quyết toán trong những công trình có sử dụng cát lậu, trái phép... Chỉ khi nào các ngành vào cuộc đồng bộ thì vấn nạn cát tặc mới có thể bị triệt đường sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.