Đường bộ

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được giảm tải

Bắt đầu từ hôm qua (4/4), lực lượng chức năng đã phân luồng xe tải trên 6 trục và xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN cho biết, thực tế cho thấy lái xe đều chấp hành nghiêm, tuyến quốc lộ 1 thông thoáng, không xảy ra ùn tắc.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được giảm tải- Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Điệp.

Giảm tải cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn, giao thông an toàn hơn

Việc phân luồng xe tải nặng, xe khách lớn từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn sang quốc lộ 1 đã được triển khai từ ngày 4/4, ông đánh giá thế nào về kết quả bước đầu?

Cùng với gấp rút hoàn thiện hệ thống biển báo phân luồng, trong ngày hôm qua, lực lượng TTGT phối hợp với CSGT tập trung điều tiết, tuyên truyền, hướng dẫn các phương tiện đi theo đúng phương án phân luồng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hầu hết các phương tiện trọng tải lớn, xe khách giường nằm đều không lưu thông vào cao tốc theo quy định.

Ở khía cạnh kinh tế, việc tuyến đường mãn tải sớm đã chứng tỏ được hiệu quả đầu tư, thu hút được nhiều phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mang lại hiệu quả vận tải hàng hóa. Điều này góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương nơi tuyến cao tốc đi qua và cả nước.

Ông Lê Hồng Điệp

Kết quả ngày đầu phân luồng cho thấy, hầu hết các tài xế đều chấp hành khá nghiêm túc, giao thông thông thoáng, an toàn.

Từ khi xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế xe 7 chỗ vượt ẩu làm 3 người chết, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có những chỉ đạo quyết liệt để lập lại trật tự ATGT. Những chỉ đạo này của Bộ trưởng đã được Cục Đường bộ VN và các đơn vị liên quan thực hiện thế nào, thưa ông?

Từ đầu tháng 2, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã triệu tập họp, yêu cầu các đơn vị kịp thời đưa ra giải pháp.

Lĩnh hội tinh thần này, Cục Đường bộ VN tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp, ra nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng, tăng cường tuần tra, kiểm tra. Chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp trong tổ chức giao thông, quá trình thực hiện lắng nghe ý kiến đóng góp của các bên.

Đến nay, sau hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ tai nạn đầu tiên, Cục Đường bộ VN đã tập trung cao độ, giải quyết nhiều công việc, đưa ra giải pháp tốt nhất để đảm bảo ATGT trên tuyến.

Không chỉ Cam Lộ - La Sơn, các tuyến đường khác sau quá trình khai thác đều có những điều chỉnh trong tổ chức, đảm bảo ATGT. Tới đây, sau khi thực hiện phương án phân luồng, không cho phép xe tải trên 6 trục và xe khách trên 30 chỗ ngồi đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục theo dõi, phát hiện bất cập, kịp thời xử lý, điều chỉnh phù hợp.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã mãn tải

Quyết định phân luồng xe tải, xe khách lớn sang quốc lộ 1 đã được các cơ quan chức năng tính toán như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên tuyến cao tốc này làm chết và bị thương nhiều người. Sau khi xảy ra vụ TNGT đầu tiên làm 3 người chết, Cục CSGT đã đề nghị tính toán để phân luồng xe và quy định lại tốc độ. Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ VN đã thống nhất với các đơn vị liên quan tổ chức đếm và tính toán lại lưu lượng xe trên tuyến.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được giảm tải- Ảnh 2.

QL1 đoạn đường tránh TP Huế (bên trái) có tăng lưu lượng những vẫn thông thoáng trong ngày đầu cấm xe khách trên 30 chỗ, xe tải từ 6 trục trở lên vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn (bên phải). Ảnh: Duy Lợi.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã tổ chức đếm xe trong 3 ngày. Lưu lượng xe quy đổi tuyến cao tốc này đã lên đến hơn 9.500 xe/ngày đêm, trong khi tuyến đường không có dải phân cách giữa, lưu lượng thiết kế chỉ 9.200 xe/ngày đêm. Từ đây, có thể thấy tuyến cao tốc đã ở ngưỡng mãn tải.

Trong khi đó, lưu lượng thiết kế trên quốc lộ 1 có thể đạt 31.000 lượt xe/ngày đêm, song hiện mới đạt 26.000 lượt xe/ngày đêm. Vì thế, việc phân luồng xe tải trên 6 trục và xe khách trên 30 chỗ ngồi ra quốc lộ 1 là cần thiết.

Một số người thắc mắc vì sao chỉ phân luồng xe tải trên 6 trục và xe khách trên 30 chỗ ngồi, ông có thể lý giải thêm?

Cam Lộ - La Sơn là tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe mỗi chiều. Qua khảo sát trên tuyến cho thấy có nhiều xe tải trọng nặng từ 6 trục trở lên chạy dưới tốc độ tối thiểu cho phép (60km/h), gây ức chế cho các tài xế chạy sau.

Thực tế đó dẫn đến nhiều xe vượt trái quy định, dễ gây tai nạn. Bên cạnh đó, xe khách trên 30 chỗ thường chạy ban đêm trong điều kiện địa hình dốc, thời tiết bất lợi hay có sương mù.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đồng thuận tại cuộc họp gần đây được Cục Đường bộ VN tổ chức và từ yêu cầu khách quan, khoa học, việc điều tiết bớt xe tải từ 6 trục trở lên và xe khách trên 30 chỗ sang quốc lộ 1 là phù hợp.

Hài hòa lưu lượng giữa các tuyến đường

Có 2 địa phương đề xuất không nên cấm xe tải trọng lớn vì lo ngại TNGT trên quốc lộ 1 sẽ tăng cao, quan điểm của Cục Đường bộ VN thế nào?

Việc tổ chức giao thông được thực hiện theo luật. Cục Đường bộ VN chia sẻ với băn khoăn của các địa phương. Tuy nhiên, lưu lượng tuyến Cam Lộ - La Sơn rất lớn như đã nói ở trên.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được giảm tải- Ảnh 3.

Ngày đầu phân luồng, lưu lượng xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn giảm so với những ngày trước đó. Đường thông thoáng bởi chỉ còn xe ô tô con, xe tải nhẹ.

Việc phân luồng đảm bảo hòa hòa trong tổ chức giao thông giữa các tuyến đường, ở đây là đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1 và cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Cùng đó, việc phân luồng chỉ tiến hành đối với xe tải nặng và xe khách trên 30 chỗ. Những loại xe này không chạy được nhanh, trong điều kiện tuyến cao tốc này chỉ có 2 làn xe.

Phương án phân luồng đã được nhiều lần lấy ý kiến rộng rãi, có sự đồng thuận của nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, hiệp hội vận tải. Cũng giống như trên một dòng sông có nhiều con đập, khi đập ở thượng nguồn đến ngưỡng báo động cần đảm bảo an toàn, phải tiến hành xả bớt xuống hạ nguồn.

Đây có phải là giải pháp tạm thời trong thời gian chờ mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thưa ông?

Việc điều chỉnh tổ chức giao thông, vị trí tránh vượt, bổ sung đinh phản quang, phân luồng… được thực hiện trong khi chờ cấp có thẩm quyền mở rộng tuyến theo quy hoạch 4 làn xe. Giải pháp này phù hợp với giai đoạn đang phân kỳ đầu tư hiện nay.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe. Đây là điều rất cần thiết khi tuyến này đã mãn tải, lượng xe vượt quá khả năng phục vụ.

Tổ chức giao thông không phải bất biến

Theo quy định, trước khi một tuyến đường đưa vào khai thác phải thẩm tra ATGT. Đối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn, việc này được thực hiện thế nào?

Công trình này trước khi đưa vào khai thác đã được chủ đầu tư thuê tư vấn thẩm tra ATGT, sau đó đã được Bộ GTVT thẩm định kỹ lưỡng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hầu hết các tuyến đường sau khi đưa vào khai thác đều có sự thay đổi, lưu lượng tính toán trong quá trình thiết kế chỉ là dự đoán. Quá trình khai thác thực xuất hiện nhiều yếu tố mà ngay cả người lập dự án cũng không thể tính toán được.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn không lường trước được lượng xe đông như vậy, cũng không ngờ lượng xe tải lại chiếm số lượng lớn đến thế. Khi tổ chức đếm xe, trong số 4.216 xe, xe tải lớn từ 4 trục trở lên chiếm tới gần 1.900 xe. Nếu quy 1.900 xe này ra xe tiêu chuẩn, con số lên đến hơn 6.000 xe/ngày đêm.

Nhìn rộng ra, việc đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc 2 làn xe được thực hiện ra sao, thưa ông?

Trong số 3 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn gần đây, theo cơ quan chức năng, nguyên nhân do lỗi chủ quan của tài xế, không phải do hạ tầng. Điều này phù hợp với phân tích của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong tổng số vụ TNGT hàng năm, nguyên nhân chiếm đến 70% là do ý thức người tham gia giao thông.

Hiện có 3 tuyến cao tốc 2 làn xe là Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên và Hà Nội - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai. Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá lại phương án tổ chức giao thông.

Trường hợp trên tuyến tình hình giao thông phức tạp, có xảy ra tai nạn nghiêm trọng sẽ tổ chức đếm xe để nghiên cứu hạn chế một số loại phương tiện, hạn chế tốc độ, đặc biệt là các vị trí nút giao, các đoạn cong cua, đèo dốc...

Cảm ơn ông!

Thiếu tá Lê Xuân Thưởng, Đội trưởng Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 5 (Cục CSGT):

Lập 3 chốt kiểm tra, xử nghiêm vi phạm

Ngay trong ngày 4/4, đơn vị đã tăng cường lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng để tuyên truyền, hướng dẫn các tài xế tuân thủ quy định khi lưu thông trên cao tốc. Trong đó, hướng dẫn, phân luồng xe ô tô khách trên 30 ghế ngồi, xe tải nặng không lưu thông vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Nhìn chung các tài xế đều tuân thủ.

Từ ngày 5/4, Đội bố trí 3 chốt tuần tra kiểm soát trên tuyến. Trong đó, 1 chốt ở đầu tuyến, 1 chốt cuối tuyến đứng cố định và 1 chốt giữa tuyến tuần tra kiểm soát lưu động, phối hợp các chốt khác nhằm phát hiện, xử lý xe vi phạm và các sự cố. Ngoài lỗi xe đi vào đường cấm, CSGT sẽ tăng cường xử lý lỗi đi quá tốc độ, vượt sai, dừng đỗ không đúng nơi quy định, chạy dưới tốc độ tối thiểu… Ngoài phạt trực tiếp, sẽ tăng cường phạt nguội qua hình ảnh từ thiết bị chuyên dụng và hình ảnh người dân cung cấp.

Ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh:

Hoàn tất bổ sung biển báo, hướng dẫn từ xa

Đến ngày 4/4, các công tác lắp đặt biển báo cấm xe ô tô khách trên 30 chỗ, xe tải trên 6 trục, biển báo hướng dẫn giao thông đã được Ban phối hợp Khu QLĐB II, đơn vị chức năng cơ bản hoàn thành. Theo đó, có 20 biển báo các loại được lắp đặt ở 5 vị trí nút giao trên tuyến và 4 vị trí các đường dẫn từ quốc lộ 1 và các đường khác để thông báo, hướng dẫn cho các phương tiện từ xa.

Đến nay, các đơn vị cơ bản hoàn thành bổ sung thêm gờ giảm tốc tại các đoạn đường thu hẹp từ 4 làn về 2 làn trên toàn tuyến; điều chỉnh vạch sơn tim đường thí điểm phía Quảng Trị; bổ sung cọc tiêu mềm, đinh phản quang giữa tim đường, tiêu phản quang gắn trên hệ thống hộ lan... Việc mở rộng dải dừng xe khẩn cấp thí điểm đoạn 37km qua Quảng Trị đã thi công.

Về giải pháp lâu dài là mở rộng cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, chúng tôi đã lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt đề cương, nhiệm vụ theo chỉ đạo Bộ GTVT. Nếu áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư cao tốc, dự án có thể khởi công vào quý IV/2024 và hoàn thành cuối năm 2025.

Tất cả thủ tục pháp lý, thi công sẵn sàng. Thuận lợi là các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng đủ để làm cao tốc 4 làn, còn khó khăn là đường vừa khai thác vừa mở rộng nên sẽ ảnh hưởng lưu thông... cần phải tổ chức một cách bài bản, khoa học và linh hoạt.

Xuân Huy (ghi)


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.