Xã hội

Bất an sai phạm trên vịnh Hạ Long: Lồng bè giăng kín lối, tai nạn rình rập

17/08/2022, 06:00

Các khu nuôi trồng thủy sản trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông đường thủy.

Lồng bè cản lối, rác thải lềnh bềnh trên vịnh

Đến khu vực Vông Viêng, vốn là một làng thủy cư với hàng chục hộ gia đình ngư dân sinh sống, chiếc xuồng chở PV phải khó khăn lắm mới len lỏi vào được phía trong.

Bởi, tại đây có hàng chục lồng bè nuôi trồng thủy sản giăng kín hai bên vách núi. Những chiếc lồng bè này được thiết kế khá rộng, nằm vươn ra phía luồng lưu thông của những chiếc thuyền chở khách tham quan.

img

Một khu nuôi lồng bè trái phép bằng phao xốp trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Xung quanh khu nhà bè, rất nhiều rác thải sinh hoạt được xả thẳng xuống mặt nước trong khi tại khu vực này đang có những chiếc thuyền nan chở du khách vãn cảnh xuôi từ trong cánh núi xuôi ra.

Có lúc, những chiếc thuyền chở khách tròng trành vì bị sóng đánh, xô vào những chiếc lồng bè rất nguy hiểm.

Chị K., chủ một nhà bè cho biết, gia đình chị bao đời sinh sống ở làng chài Vông Viêng. Khi tỉnh Quảng Ninh thực hiện di dời dân làng chài lên bờ, gia đình chị cũng chấp hành, nhưng do không có việc làm nên đành phải quay lại mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng bè.

img

Rác thải trôi dạt từ vịnh Hạ Long vào bờ đen kịt một góc mặt nước

“Vẫn biết là việc nuôi thủy sản ở khu vực này ít nhiều ảnh hưởng đến việc qua lại của thuyền chở khách tham quan nhưng thực tế thì cũng chưa xảy ra vụ va chạm nào gây nguy hiểm cả”, chị K. cho hay.

Tiếp tục đến khu vực Cửa Vạn, PV cũng ghi nhận những chiếc lồng bè khổng lồ choán gần hết lối vào. Ông Ph., chủ một lồng bè ở ngay lối vào cho biết: “Trước đây, bè của tôi không nuôi ở khu vực này. 6 năm trước, khi cư dân làng chài được chuyển đi nơi khác thì tôi được cơ quan chức năng cho phép di chuyển đến đây.

Thực tế thì đến nay, thủ tục liên quan đến mặt nước chúng tôi cũng chưa có dù đã nộp đơn lên cơ quan chức năng từ lâu.

Thỉnh thoảng có cán bộ của Ban Quản lý vịnh đến thu một ít tiền gọi là hỗ trợ bảo vệ môi trường, nhưng cũng không có biên lai hay hóa đơn gì”, ông Ph. nói.

Nằm ở vụng cách làng chài Cửa Vạn chừng 3 phút đi xuồng, PV đã tiếp cận một vùng lồng bè nuôi hàu rộng hàng ngàn m2 nhưng không có ai trông coi, quản lý. Không giống như ở vụng Vông Viêng, Cửa Vạn…, lồng bè được làm hoàn toàn bằng phao xốp và tre nứa, nên toàn bộ khu này trắng xóa mảnh vỡ của phao xốp lẫn trong những đoạn tre nứa gãy trôi dạt.

Tiếp tục hành trình qua đảo Tuần Châu - khu vực vùng đệm của vịnh Hạ Long, PV lại gặp một khu vực nuôi trồng thủy sản bằng phao xốp giăng kín mặt biển. Nhiều chỗ tre, vật liệu bị bung ra khỏi bè trôi dạt lềnh bềnh về khu vùng lõi của vịnh Hạ Long.

Có một điều lạ là, khi PV hỏi một người nuôi lồng bè tại vịnh Hạ Long, nhà ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long thì được chia sẻ: Hầu hết các hộ nuôi lồng bè trong vịnh đều không có giấy tờ.

Trước đây, cứ vài tháng lại có người đến thu tiền lúc thì 2 triệu đồng, khi thì 3 triệu đồng/hộ và khi có đợt kiểm tra, sẽ có người “chỉ điểm” cho các hộ lồng bè biết thời gian, địa điểm để đưa lồng bè “đi trốn”…!?

Nguy cơ hình thành làng chài trên vịnh Hạ Long?

img

Hầu hết các khu nhà bè nuôi trồng thủy sản ở làng chài Cửa Vạn trước đây đều không có giấy phép

Để giữ gìn môi trường, đảm bảo ATGT trên vịnh Hạ Long, đồng thời giúp người dân làng chài ổn định cuộc sống, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với TP Hạ Long triển khai đề án di dân các làng chài trên vịnh Hạ Long lên định cư tại khu 8, phường Hà Phong.

Đến nay, tại khu tái định cư này đã có 354 căn hộ được cấp cho ngư dân làng chài với 1.705 nhân khẩu sinh sống.

Nhưng sau khi di dời các làng chài trên vịnh Hạ Long lên bờ, một bộ phận không nhỏ cư dân làng chài mù chữ, rất khó tìm được việc làm khác để ổn định cuộc sống trên bờ.

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh lại phối hợp triển khai mô hình nuôi cá lồng bè ở một số vùng nước trên vùng di sản.

Cụ thể, tháng 4/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phương án thí điểm nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long tại khu vực vụng Vông Viêng.

Dự án thí điểm trong 2 giai đoạn là từ tháng 4 - 12/2016 và từ tháng 1/2017 - 12/2018 với quy mô 32 lồng bè chia làm 5 cụm nuôi, sau đó đã được đánh giá và duy trì thường xuyên. Từ đó đến nay, khu vực vụng Vông Viêng luôn duy trì khoảng 10 hộ dân nuôi cá lồng bè.

Tuy nhiên, bên cạnh khu vực nuôi cá lồng bè được triển khai theo đề án, thời gian gần đây, tại vùng lõi và vùng đệm của vịnh Hạ Long đã xuất hiện hàng loạt các lồng bè nuôi trồng thủy sản chưa được cấp phép.

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện trong vùng lõi của di sản có 15 hộ nuôi với 38 lồng bè trên diện tích hàng ngàn m2 chưa được cấp phép và có tên, tuổi, địa chỉ của chủ bè được thống kê.

Số hộ nuôi tập trung chủ yếu tại vụng Cửa Vạn, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa có nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông thủy, dẫn đến nguy cơ tái lập những làng chài trên vịnh Hạ Long.

Ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện, theo quy định thì vùng lõi và vùng đệm của vịnh Hạ Long không được tổ chức nuôi thủy sản bằng lồng bè. Bởi, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến giao thông... Do đó, đơn vị sẽ sớm có văn bản đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý ngay những vi phạm này.

UBND tỉnh Quảng Ninh giao các sở, ngành kiểm tra, báo cáo

Liên quan đến loạt bài viết “Bất an các công trình, dự án sai phạm trên vịnh Hạ Long” mà Báo Giao thông đăng tải ngày 9/8/2022 và 12/8/2022, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Những dự án này đã được triển khai nhiều năm trước, do vậy, để xem xét cho tiếp tục triển khai nữa hay không thì cần rà soát lại toàn bộ các quy trình, tính hiệu quả của từng dự án thì mới quyết định được.

“Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi rất cảm ơn thông tin liên quan mà Báo Giao thông đã phản ánh, cung cấp. Đây là những dự án liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do đó, tỉnh sẽ sớm giao cho các sở, ngành kiểm tra, đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền thống nhất các biện pháp trong thời gian tới”, vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.

Liên quan đến bài phản ánh về vụng Cặp Táo, đại diện của Công ty CP Đại Yên - chủ đầu tư dự án này cho biết: “Quá trình triển khai, chúng tôi đã có các báo cáo, tờ trình các cấp có thẩm quyền. Do không nắm được một số quy định và cơ quan có thẩm quyền không hướng dẫn cụ thể mới dẫn đến thực trạng này và dự án chưa được hoạt động chính thức như hiện nay. Doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng vào dự án, nên rất mong muốn được kiểm tra, đánh giá hiệu quả thí điểm để được chính thức đi vào hoạt động”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.