Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thăm và làm việc với Báo Giao thông nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng VN 21/6. |
Sáng nay (16/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tới chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 và làm việc với Báo Giao thông. Cùng dự có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ GTVT.
Thông tin đưa ra phải chuẩn xác, trách nhiệm
"Tôi đánh giá cao nhiệt tâm làm việc của PV Báo Giao thông. Báo luôn giữ một vai trò tích cực trong truyền thông về an toàn giao thông. Báo đã dành một thời lượng tương đối lớn truyền thông về an toàn giao thông, không chỉ về hoạt động của Uỷ ban ATGT Quốc gia mà còn cả hoạt động ATGT tại các địa phương. Có thể nói, Báo Giao thông đã góp một tiếng nói rất quan trọng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông". Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng |
Chia sẻ trong buổi thăm và làm việc với Báo Giao thông nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng VN (21/6/1925 - 21/6/2016), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định, Báo Giao thông là tiếng nói của Bộ GTVT và Uỷ ban ATGT Quốc gia, luôn được Bộ GTVT ưu tiên số 1 về thông tin. "Tôi đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của tập thể Báo Giao thông thời gian qua. Các đồng chí đã thành công trong việc xây dựng tờ báo có bản sắc riêng, không lẫn với các báo", Bộ trưởng nói.
Về công tác truyền thông thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu phải chuẩn xác và chuẩn mực. Báo Giao thông phải tập trung truyền thông những vấn đề lớn, quan trọng của ngành, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền công tác quản lý nhà nước, công tác xây dựng, triển khai thực hiện và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
“Phải làm sao để tuyên truyền rộng rãi các lĩnh vực, phủ kín các lĩnh vực hoạt động của ngành, không chỉ tập trung vào đường bộ. Bởi ngành GTVT rất lớn, từ đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không... Truyền thông đa dạng nhưng phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu mỗi cán bộ, phóng viên của Báo Giao thông phải luôn học hỏi, trau dồi, nhìn nhận lại mình để có "bút sắc, lòng trong" |
Với các cán bộ, phóng viên của Báo, Bộ trưởng cũng căn dặn phải làm sao đưa thông tin kịp thời, bản lĩnh và có trách nhiệm. “Cách thức thông tin có thể khác nhau nhưng thông tin đưa ra phải kịp thời, chuẩn xác, chuẩn mực và có trách nhiệm”, Bộ trưởng yêu cầu. Đặc biệt, người đứng đầu Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, mỗi cán bộ, phóng viên của Báo Giao thông phải luôn học hỏi, trau dồi, nhìn nhận lại mình để có được "bút sắc, lòng trong".
Thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn Báo Giao thông tiếp tục góp phần tích cực, hiệu quả, tạo sự chia sẻ chung của xã hội với ngành. Về những kiến nghị của Báo liên quan đến cơ chế cung cấp thông tin, vấn đề tài chính, đầu tư và trụ sở, Bộ trưởng cơ bản đồng ý và giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết.
Tờ báo ngành có tuổi đời lâu nhất
Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên cho biết, Báo Giao thông thành lập ngày 27/12/1962, ra số đầu tiên ngày 31/1/1963. Báo Giao thông hiện nay là tờ báo ngành có tuổi đời thuộc diện cao nhất ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết sau khi thực hiện đề án sắp xếp các cơ quan báo chí thuộc Bộ GTVT, với việc xuất bản số báo cuối tuần 20 trang, Báo giấy Giao thông đã phủ kín 5 ngày làm việc trong tuần. |
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, doanh thu của tờ báo đã tăng trưởng gần 2,5 lần; thu nhập của người lao động liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Lượng phát hành báo giấy tăng gần gấp đôi, bạn đọc báo điện tử hàng ngày tăng hơn 8 lần, cơ cấu bộ máy tòa soạn cũng phát triển không ngừng, từ chỗ chỉ có 2 văn phòng đại diện, nay đã phát triển thành 5 văn phòng đại diện. |
“Sau khi Báo Bạn đường (trực thuộc Ủy ban ATGT Quốc gia) được chuyển nguyên trạng vào Báo Giao thông từ đầu năm 2012, đến tháng 3/2015, thực hiện Đề án sắp xếp các cơ quan báo chí thuộc Bộ GTVT, các báo Đường sắt, Tạp chí Hàng không VN, Tạp chí Hàng hải VN, Tạp chí Đường bộ VN, Tạp chí Đường thủy nội địa VN và Tạp chí Đăng kiểm được quy về một đầu mối là Báo Giao thông”, ông Kiên cho biết thêm.
Đầu tháng 5/2015, được sự đồng ý của Bộ GTVT, Bộ Thông tin và truyền thông, báo đã xuất bản thêm số cuối tuần dày 20 trang, ra ngày thứ sáu. Như vậy, Báo giấy Giao thông đã phủ kín 5 ngày làm việc trong tuần.
Cũng theo Tổng biên tập Nguyễn Bá Kiên, báo điện tử Giao thông (www.baogiaothong.vn) có sự tăng trưởng nhanh và bền vững; cập nhật kịp thời nhiều thông tin thời sự, nóng hổi về ngành, có nhiều bài về thời sự; kinh tế - xã hội; thể thao - giải trí... được bạn đọc quan tâm, đón nhận. Báo Giao thông đã góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận về những vấn đề trong ngành, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh và tạo sự lan tỏa về các hoạt động của ngành đến với người dân.
Đặc biệt, trong năm 2015, Báo đã thành lập Công ty CP truyền thông Báo Giao thông. Công ty này sau đó đã thực hiện nhiều chương trình lớn, sức lan toả rộng, trong đó có việc phối hợp với Đài Truyền hình VN thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Đi trước mở đường” nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống của ngành từ nguồn kinh phí xã hội hóa; Cùng Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức thành công các chương trình Trao giải Vô lăng vàng; Chương trình truyền hình trực tiếp Tưởng niệm nạn nhân TNGT hàng năm, cùng nhiều sự kiện khởi công, khánh thành của các đơn vị trong và ngoài ngành.
Chương trình Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông ra đời năm 2013 đã huy động được trên 3 tỷ đồng, tổ chức được trên 50 chương trình trao quà, hỗ trợ các nạn nhân bị TNGT, thủ khoa nghèo với số tiền gần 3 tỷ đồng. Từ năm 2015, Báo tổ chức giải bóng đá Cúp Báo Giao thông với 16 đội bóng trong và ngoài ngành tham gia. Đây là giải đấu nhằm quyên góp từ thiện cho Chương trình Chung tay vì ATGT. Năm 2015, Báo quyên góp được từ giải đấu hơn 700 triệu đồng; năm 2016, quyên góp được hơn 1 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận