Liên tiếp các vụ tai nạn
Vụ tai nạn mô tô nước xảy ra khoảng 23h đêm 11/9, tại khu vực bãi tắm biển Hòn Gai (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) khiến một phụ nữ (SN 1997, trú tại TP Hạ Long) tử vong đến nay vẫn khiến nhiều người bàng hoàng.
Thời điểm trên, sau khi tổ chức ăn uống trên bờ biển, nạn nhân cùng 2 người khác sử dụng mô tô nước chạy quanh khu vực bãi tắm, khi đến gần phao quây, bất ngờ cả ba bị ngã xuống nước.
Hai người đàn ông bơi được vào bờ còn nạn nhân nữ bị mất tích, đến sáng hôm sau mới tìm thấy thi thể.
Chiếc mô tô nước trong vụ tai nạn ở Hạ Long khiến 1 người phụ nữ tử vong đêm 11/9
Chỉ một ngày trước đó, khoảng 15h chiều ngày 10/9, trên hồ thủy điện Thác Mơ (tỉnh Bình Phước) xảy ra vụ tai nạn do một người đàn ông điều khiển mô tô nước rồi lao lên bờ dẫn đến tử vong.
Tháng 5/2022, tại TP.HCM cũng xảy ra vụ hai người đàn ông đi mô tô nước trên sông Sài Gòn đâm vào sà lan chở hàng, khiến cả hai người trên mô tô thiệt mạng.
Hay vụ tai nạn tại điểm du lịch cộng đồng tự phát của gia đình anh Trần Cao Cường (thành viên của HTX Du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, Thái Nguyên) xảy ra ngày 1/5, khiến 1 người tử vong…
Trong vụ này, người điều khiển không có chứng chỉ, nạn nhân cũng không mặc áo phao.
Còn với vụ tai nạn ở Hạ Long hôm 11/9, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 cho biết, phương tiện chưa được đăng kiểm.
Vùng nước nơi xảy ra tai nạn cũng chưa được cấp phép cho các phương tiện thể thao, vui chơi giải trí dưới nước hoạt động. Tại Quảng Ninh hiện chỉ có 2 chiếc mô tô nước có đăng ký tuy nhiên đều đã quá hạn kiểm định. Chiếc mô tô trong vụ tai nạn không nằm trong 2 chiếc đã đăng ký.
Mới đây, tổ liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa tỉnh Bình Thuận cũng phát hiện 14 mô tô nước không giấy tờ vẫn lén lút hoạt động phục vụ khách du lịch tại vịnh Vĩnh Hy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Nhiều bất cập trong quản lý
Mô tô nước chạy "chui" trên sông Sài Gòn đâm vào sà lan làm 2 người tử vong hồi tháng 5/2022
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó trưởng phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, mô tô nước là phương tiện vui chơi, giải trí có điều kiện hoạt động quy định tại Nghị định số 48/2019.
Theo đó, các điều kiện cơ bản gồm: Phương tiện phải có đăng ký, đăng kiểm; chỉ được hoạt động trong vùng nước được cơ quan quản lý chấp thuận hoặc công bố; người trực tiếp lái phương tiện công suất 5CV phải có giấy chứng nhận; người lái và người ngồi trên phương tiện phải mặc áo phao.
Về quản lý phương tiện, việc cấp chứng nhận đăng ký do UBND cấp tỉnh thực hiện (có thể phân cấp cho Sở GTVT hoặc UBND cấp huyện, cấp xã).
Nghị định cũng quy định vùng nước dành cho phương tiện vui chơi, giải trí, chia thành vùng 1 và vùng 2. Vùng 1 nằm trên tuyến đường thủy, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải; nếu thuộc tuyến đường thủy quốc gia do Cục Đường thủy nội địa VN chấp thuận; trên đường thủy địa phương do Sở GTVT địa phương chấp thuận; trên vùng nước cảng biển hoặc hàng hải do Cục Hàng hải VN chấp thuận.
Với vùng 2, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng nước này; có trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước tại địa phương.
Tuy nhiên, cho đến nay, các địa phương vẫn chưa công bố các vùng nước được phép vui chơi, giải trí bằng mô tô nước nói riêng và phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước nói chung.
Cũng theo ông Hưng, việc cấp chứng chỉ điều khiển mô tô nước được thực hiện tại các cơ sở đào tạo được cấp phép.
Tùy thuộc vào công suất của phương tiện, người học sẽ có chương trình học khác nhau. Nếu mô tô nước có công suất lớn phải học chứng chỉ cao cấp và các trường phải báo cáo danh sách học viên về Cục Đường thủy nội địa VN để xem xét, ra quyết định công nhận kết quả và cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, đến nay chưa có thống kê chi tiết số người lái mô tô nước được cấp chứng chỉ, chứng nhận điều khiển.
Kiểm soát thế nào?
Lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo thống kê, toàn quốc có 315 mô tô nước đã được đăng kiểm. Tuy nhiên, thực tế, số liệu này cũng chỉ tương đối dựa theo mã số đăng kiểm của phương tiện, bởi nhiều chiếc có thể đã hư hỏng.
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 cho biết, do Chi cục không có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các phương tiện nên không thể chủ động trong việc kiểm tra, rà soát các phương tiện không có đăng kiểm hay hết hạn kiểm định để xử lý và yêu cầu thực hiện đăng kiểm.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, đối với các vùng nước thuộc quản lý của địa phương, địa phương có trách nhiệm trong kiểm tra, rà soát các phương tiện và vùng cấp phép cho các phương tiện vui chơi giải trí hoạt động.
Để tăng cường quản lý hoạt động mô tô nước, bên cạnh việc phối hợp liên ngành giữa CSGT đường thủy, đơn vị đăng kiểm phương tiện và Cục Đường thủy nội địa VN, lực lượng chức năng các địa phương cũng cần chủ động tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Từ đó, yêu cầu các chủ phương tiện thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Các địa phương cũng cần công bố các vùng nước được chấp thuận cho các phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước hoạt động.
Để có số liệu thống kê chính xác số mô tô nước đang hoạt động trên toàn quốc, lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN đề xuất Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện thống kê trên toàn quốc; hoặc UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo UBND các xã thống kê từng hộ dân để xác định số lượng mô tô nước từng xã.
Từ đó, rà soát các phương tiện không giấy tờ, chưa đăng kiểm và vận động chủ phương tiện đưa đi kiểm định nhằm đảm bảo an toàn chất lượng phương tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận