• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
An toàn giao thông

4 tháng thực thi Nghị định 10: Xe khách trá hình vẫn lộng hành

29/07/2020, 06:40

Sau 4 tháng Nghị định 10 có hiệu lực, trên nhiều tuyến đường, tình trạng xe “núp mác” hợp đồng vẫn ngang nhiên lộng hành...

Nhà xe Hà Hải tỉnh Thái Bình đỗ bắt khách tại khu vực Công viên Cầu Giấy, TP Hà Nội (Ảnh chụp chiều 17/7). Ảnh: Văn Huế

Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý triệt để xe hợp đồng trá hình lách luật, hoạt động như tuyến cố định. Sau 4 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, tình trạng này đã có chuyển biến, thay đổi?

Kỳ 1: Đủ chiêu trò lách luật

Mỗi ngày vẫn có hàng trăm chuyến xe vận chuyển khách theo tuyến cố định nhưng không hề vào bến mà lách luật bằng cách xin giấy phép xe chạy hợp đồng rồi vào trung tâm thành phố đón trả khách. Những nhà xe này sử dụng nhiều chiêu trò để thu gom khách lẻ, rồi lập thành danh sách để hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Lập bến cóc ngay tại trụ sở công ty

Ghi nhận của PV Báo Giao thông sau 4 tháng Nghị định 10 có hiệu lực, trên nhiều tuyến đường, tình trạng xe “núp mác” hợp đồng vẫn ngang nhiên lộng hành.

Tại Hà Nội, ngay trước cửa Rạp xiếc T.Ư trên đường Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), số lượng xe hợp đồng dạng Limousine loại 16 chỗ hoán cải thành 9 - 11 chỗ dừng đỗ ở đây để trả khách rất phổ biến. Không chỉ các xe hợp đồng mang biển số Hà Nội mà còn khá nhiều xe của các tỉnh, thành khác.

Cụ thể, vào chiều 20/7, một xe Limousine Trang An BKS 29B-623.84 chở khách từ Ninh Bình về Hà Nội. Khi xe chở khách về đến khu vực này, tài xế cho xe đỗ vào khu vực điểm trông giữ xe iParking HB040 của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội như “nốt” của mình rồi xuống khách. Phía bên kia đường, một xe hợp đồng Hà Hải Limousine BKS 17B-021.32 cũng đang đỗ ở đây chờ khách.

Nhiều địa bàn khác của Hà Nội cũng trong tình cảnh tương tự, điển hình là khu vực quanh Công viên quận Cầu Giấy, đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) có hàng loạt xe hợp đồng Limousine của các nhà xe như: Phiệt Học; Hà Hải Limousine (tỉnh Thái Bình); Hoàng Sơn; Phúc Cường; Duy Khang; Quang Anh…

Rất nhiều xe của nhà xe Tân Thanh Thủy, Kim Hoàng đỗ trên đường Trần Phú, quận 5 (TP HCM) để chuẩn bị đón khách

Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, dù lực lượng chức năng đã ra quân xử lý cả nghìn trường hợp, nhưng tình trạng xe dù, bến cóc vẫn hoạt động rất phức tạp. Ghi nhận của PV, nhiều khu vực được xem là “cứ điểm” của xe hợp đồng trá hình đón chở khách theo tuyến cố định vẫn diễn ra bình thường. Đường Nguyễn Thái Bình ngay trung tâm phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 là nơi hoạt động nhộn nhịp của các loại xe: Hoa Mai, Toàn Thắng, Thiên Phú… Đường Trần Phú, An Dương Vương, Tản Đà (Q.5), các nhà xe như: Kim Hoàng, Tân Thanh Thủy, Tân Lập Thành… vẫn ngang nhiên đón trả khách hai bên đường.

Tại địa chỉ số 63 - 65 đường số 2 phường 8, quận 11 là văn phòng của xe khách Anh Tuấn chuyên chạy tuyến Sài Gòn - Bạc Liêu. Ngày 14/7, PV trực tiếp đến mua vé từ TP HCM đi Bạc Liêu, nhân viên cho biết xe giường nằm 45 chỗ sẽ đến đón tận nơi, không phải ra bến xe. Điều đáng nói là Công ty TNHH MTV Kim Dung Anh Tuấn có xuất vé hẳn hỏi chứ không chỉ là phiếu đặt chỗ, trên vé ghi rõ gồm bảo hiểm hành khách.

Tương tự, chiều 17/7, PV gọi điện thoại cho một tài xế xe 16 chỗ, tên B. (Kiến Tường, Long An) để hỏi đặt vé từ TP Tân An (Long An) đi TP HCM. Tài xế B. cho biết không cần phải làm hợp đồng, khi nào đi thì điện thoại đặt ghế trước, xe sẽ đến điểm hẹn rước khách, giá vé 60 - 80 nghìn đồng.

Tại Hải Phòng, ngày càng nhiều xe hợp đồng trá hình, “xe dù, bến cóc” được mở ra cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định. Điển hình nhất là nhà xe Đoàn Xuân. Theo ghi nhận, sau khi xuất bến Niệm Nghĩa, xe của nhà xe này đi lòng vòng qua các tuyến phố để bắt khách. Không những thế, nhà xe này còn mở hai điểm đón trả khách tại ngã tư Võ Nguyên Giáp - Thiên Lôi và gần lối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Không chỉ có nhà xe Đoàn Xuân, rất nhiều các hãng limousine khác cũng mọc lên như nấm ở Hải Phòng như: Limousine Anh Huy chuyên tuyến Hà Nội - Hải Phòng; Quảng Ninh - Hà Nội với hàng chục lượt xe mỗi ngày. Các xe này hoạt động từ 3h30 - 21h hàng ngày với giá vé xe 7 chỗ là 180.000 đồng/người và xe 9 chỗ là 220.000 đồng/người. Chỉ cần gọi điện là nhà xe sẽ đón tận nơi và trả khách tận điểm xuống. Ngoài ra, khách cũng có thể đến văn phòng của nhà xe này nằm tại số 139 Đà Nẵng (Ngô Quyền, Hải Phòng) là bắt được xe.

Tương tự, nhà xe Vĩnh Thịnh Limousine được quảng cáo là “chuyên cơ mặt đất” chuyên chở khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Mặc dù nhà xe này sử dụng xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, chuyên gom khách lẻ, thế nhưng đi vào hoạt động 2 năm nay mà không cơ quan chức năng nào xử lý.

Để mục sở thị, PV theo chân nhà xe Vĩnh Thịnh Limousine từ Hải Phòng lên Hà Nội. Sau khi gọi điện đến số máy 0975.163.131 đầu dây bên kia nhận lời ngay, sau đó lấy thông tin tên, địa chỉ và đón chúng tôi. Khi được hỏi giá vé, anh này cho biết giá là 230.000đồng/người.

Lực lượng chức năng vẫn kêu “khó xử lý”

Nhà xe Phiệt Học tỉnh Thái Bình đỗ dừng bắt khách tại khu vực công viên Cầu Giấy, TP Hà Nội

Dù biết đa số xe kể trên hoạt động vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, khi lực lượng chức năng xử lý thì hầu hết lái xe đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ, thậm chí nhà xe có nhiều chiêu trò để đối phó.

Khu vực đường Trần Phú (quận 5, TP.HCM) là nơi hoạt động tuyến TP.HCM - Trà Vinh và ngược lại ngày đêm của hai nhà xe Tân Thanh Thủy và Kim Hoàng. Cả hai nhà xe này cho khoảng 10 nhân viên đứng ở đầu đường để canh lực lượng chức năng. Khi có xe của TTGT hay CSGT tới, đội quân này la lớn, các xe dừng chuẩn bị đón trả khách ở đây nhấn ga bỏ chạy.

Khi một tổ TTGT, Đội TTGT số 1, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đi kiểm tra một số tuyến đường khác trên địa bàn quận 5, đến đâu cũng có quân của những nhà xe bám theo cảnh báo để các xe hợp đồng chạy lòng vòng trên đường mà không đón trả khách.

Tại đây, một chiếc xe 29 chỗ BKS 51B-24333 của nhà xe Đại Ngân đang dừng đón khách, tổ TTGT chặn ngay đầu xe, tài xế không kịp lên xe để bỏ chạy như các xe trước. Lái xe Trịnh Văn Vũ xuất trình các giấy tờ, hợp đồng theo quy định. Cán bộ thanh tra cho biết, với việc xuất trình hợp đồng đầy đủ thì không thể xử phạt xe này đón trả khách không đúng nơi quy định.

Thống kê của Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ TTGT liên tục tuần tra và xử lý các xe hợp đồng vi phạm các quy định tại Nghị định 100, Nghị định 10 và Thông tư 12. Đã phát hiện và lập biên bản 1.353 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 2 tỷ đồng.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, để lách luật vận chuyển khách từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại, các nhà xe chọn các vị trí không có biển báo cấm dừng đỗ phương tiện rồi “xuống khách”. Sau đó, các xe hợp đồng sẽ đi vào các điểm trông giữ phương tiện để gửi xe chờ giờ đón khách về các tỉnh.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm: “Thực tế, khi kiểm tra, họ nói chỉ dừng xe rồi đi, không đỗ xe nên không thể xử lý được”.

Đại úy Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết thêm, địa bàn đơn vị phụ trách có Bến xe Mỹ Đình, lưu lượng xe đi các tỉnh phía Bắc rất đông. Quanh khu vực bến, các nhà xe lập rất nhiều văn phòng đại diện, trụ sở. Cách thức hoạt động của các nhà xe này là cho phương tiện lưu thông vào các ngõ ngách, khu đô thị nơi không có biển báo cấm để đón, trả khách.

“Khi CSGT kiểm tra, tài xế đều xuất trình đầy đủ danh sách hành khách, hợp đồng vận chuyển nên rất khó xử lý vi phạm”, Đại úy Chinh nói và đề xuất cơ quan chức năng cần nghiên cứu, siết chặt về thủ tục vận chuyển khách dạng hợp đồng.

Lạng Sơn: Hơn 200 xe hợp đồng trá hình chạy như tuyến cố định

Những ngày gần đây, có mặt trên đường QL1 đoạn qua TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, PV ghi nhận tình trạng các xe Limousine loại 16 chỗ ngồi gắn phù hiệu xe hợp đồng nhưng thường xuyên dừng lại vợt khách ngay trên lòng đường. Điển hình như các xe BKS: 12B-006.23, 29B-125.63, 29B-504.30 dán phù hiệu xe hợp đồng tại kính trước, vô tư dàn hàng, “vợt” khách ngay trên lòng đường.

Anh L.V.Q., một hành khách có mặt tại đây cho biết, các nhà xe thường liên kết với nhau, sử dụng xe hợp đồng tập trung đón khách với tần suất từ 5 - 10 phút/chuyến đưa đón khách từ Lạng Sơn đi Hà Nội và ngược lại. Chỉ cần có nhu cầu, hành khách sẽ được các xe dừng đỗ ngay trên lòng đường. Khi lưu thông đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang các xe sẽ hẹn nhau, thống nhất lịch trình di chuyển để trao đổi hành khách trên xe cho phù hợp với điểm đến tại Hà Nội.

Xác nhận tình trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho biết, tình trạng này đã xảy ra phổ biến từ nhiều năm nay trên địa bàn. Thống kê cho thấy, mỗi ngày toàn tỉnh có hơn 200 xe hợp đồng trá hình hoạt động như tuyến cố định. “Sở đã lập danh sách chi tiết từng xe để chỉ đạo các lực lượng TTGT, CSGT vào cuộc kiểm tra, xử lý. Đồng thời, đề nghị Sở GTVT TP Hà Nội phối hợp quản lý nhưng đến nay chưa có kết quả”, ông Huy khẳng định.

Đại diện lãnh đạo Phòng CSGT và TTGT tỉnh Lạng Sơn cho biết, các phương tiện trên đều hoạt động tinh vi, khi hành khách lên xe đều được nhà xe ghi danh sách và ký tên vào hợp đồng vận chuyển để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.

TP HCM: 108 điểm có hoạt động đón trả khách trước trụ sở

Thống kê của Sở GTVT TP HCM, từ cuối năm 2019 có 108 điểm có hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở các đơn vị vận tải, 6 điểm khác tổ chức tại khu vực các cây xăng, tuyến đường, bãi xe... Số lượng này không hề giảm trong năm 2020. Trong đó, quận 5 là địa phương có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định nhiều nhất với 47 điểm. Kế đến là quận Tân Bình (11 điểm), quận 1 (10 điểm), quận 10 và Bình Thạnh (9 điểm).

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, trước đây TP HCM đã lập đoàn liên ngành để kiểm tra các điểm thường tổ chức đón trả khách. Sau đó, UBND thành phố đã giao cho các quận, huyện trực tiếp xử lý những điểm đón trả khách, còn được gọi là “bến cóc” này.

“Sở GTVT cũng tổ chức lại giao thông như cắm biển cấm dừng đỗ đối với xe khách trong thời gian quy định tại nhiều tuyến đường ở trung tâm, đặc biệt là những tuyến đường có văn phòng của các nhà xe hoạt động. Từ đó lực lượng TTGT khi tuần tra nếu phát hiện xe dừng đón trả khách sẽ xử lý nghiêm”, ông Lâm nói.

Long An: Chưa xử lý được trường hợp nào

Theo Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện và người lái (Sở GTVT Long An), số phương tiện đăng ký chạy hợp đồng trên địa bàn tỉnh đều có gửi danh sách hành khách về Sở trước khi xe khởi hành.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Viên, Chánh TTGT Long An cho biết, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, hầu hết tài xế xe hợp đồng trá hình đều có danh sách hành khách nên rất khó xử lý. Từ đầu năm đến nay, TTGT chưa xử lý trường hợp nào xe chạy hợp đồng không có danh sách hành khách.

Xe khách tuyến cố định lao đao

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, tình trạng xe dù, bến cóc, xe Limousine… không có dấu hiệu giảm, khiến hoạt động của xe khách tuyến cố định lao đao. Công ty muốn đổi mới phương tiện, nhưng do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng nên chưa dám đầu tư.

“Cuộc cạnh tranh giữa xe khách trá hình và xe khách tuyến cố định ngay từ đầu đã không lành mạnh, không cân sức. Trong khi xe khách tuyến cố định chịu quá nhiều ràng buộc về pháp lý, chi trả chi phí lớn hơn thì xe khách trá hình chỉ cần một chiếc phù hiệu hợp đồng là tha hồ vùng vẫy, đánh chiếm thị phần vận tải khách liên tỉnh”, ông Mạnh nói.

Nhóm P.V

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.