Trẻ dưới 4 tuổi sẽ buộc phải có ghế riêng khi đi ô tô
Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, dự kiến góp ý lần đầu vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Dự thảo Luật TTATGT và dự thảo Luật Đường bộ đều có những quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ trên ô tô khi tham gia giao thông, trong đó quy định ô tô phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn cho trẻ em, trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế riêng. Ảnh minh hoạ.
Tại dự thảo Luật TTATGT, Bộ Công an đề xuất trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Trong khi đó, tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT cũng đề xuất một trong những quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô đúng kiểu loại để được phép tham gia giao thông đó là phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô chở người đến 9 chỗ.
Ngoài ra, tại Điều 78 dự thảo Luật Đường bộ quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô còn yêu cầu xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Một chuyên gia y tế cho biết, đề xuất tại hai dự thảo Luật là hợp lý, phù hợp với quy định của Luật Trẻ em nhằm đảm bảo các quyền trẻ em, trong đó đặc biệt là quyền sống.
Đồng thời còn góp phần thực hiện Quyết định 1248 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, trong đó mục tiêu hàng năm giảm từ 5 - 10 trường hợp trẻ em tử vong do TNGT.
Vị trí an toàn nhất cho trẻ là ngồi ở hàng ghế sau tay lái, bởi nếu ngồi phía trước, đặc biệt là bên cạnh vị trí của người lái thường bị chịu lực tác động rất lớn khi va chạm giao thông xảy ra, thậm chí có thể văng ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ đôi khi túi khí còn có thể gây nguy hiểm.
TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, mặc dù Việt Nam chưa có quy định nhưng thực tế rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay đã sử dụng ghế chuyên dụng để bảo vệ an toàn cho con em mình.
Với quy định này, khi đưa ra sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội. Những loại ô tô khi bán vào thị trường Việt Nam hiện đều có đầu chờ sẵn sàng cho việc lắp đặt ghế chuyên dụng cho trẻ em.
Chưa kể, trẻ em nếu ngồi hàng ghế phía trước còn có thể khiến lái xe bị sao nhãng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, trẻ nhỏ ngồi ở hàng ghế sau khi đi ô tô có thể giảm tới 60% nguy cơ thương tích, tử vong.
Bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong châu Á (AIP) cũng cho rằng, đề xuất này là một bước tiến lớn so với hiện nay, rất đúng đắn, rất cần thiết và hợp lý. Thực tế, những quy định này đã được các nước trên thế giới áp dụng trong khi đến nay, Việt Nam mới bắt đầu đề xuất để đưa vào dự thảo luật.
Đơn cử, tại Đan Mạch, Singapore quy định trẻ dưới 1,35m; ở Đức, Philippines quy định trẻ dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,5m, tại Mỹ thì quy định trẻ dưới 8 tuổi, hoặc dưới 1,45m hoặc dưới 30kg; tại Malaysia cũng quy định trẻ dưới 12 tuổi, dưới 36kg hoặc dưới 1,36m phải sử dụng thiết bị an toàn khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến nghị các quốc gia xây dựng luật quy định trẻ em phải sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô ít nhất cho đến khi trẻ 10 tuổi hoặc đạt chiều cao 135cm.
Ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT và Bộ Công an, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do TNGT. Theo WHO, TNGT liên quan đến trẻ em là nguyên nhân hàng đầu gây thiệt mạng cho nhóm tuổi từ 5 - 29 tuổi.
Cũng theo một thống kê, trong số các vụ TNGT chết người, có đến 16% liên quan đến trẻ em. Hàng năm, thế giới mất khoảng 800 triệu USD xử lý các vấn đề liên quan đến tử vong và chấn thương của trẻ em do tai nạn.
Sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ đi ô tô giúp giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ chỉ dùng dây an toàn người lớn. Ảnh minh hoạ
Lợi gì khi bổ sung quy định đảm bảo an toàn cho trẻ đi ô tô?
Theo ông Hiếu, trong điều kiện tốc độ sở hữu ô tô ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng thì đây là nhu cầu bức thiết. Đơn cử, ở Hà Nội, tỷ lệ sở hữu xe con tăng hơn 114%/năm trong giai đoạn 2014 - 2018.
Khẳng định đây là giải pháp đảm bảo an toàn, giảm đáng kể nguy cơ tử vong cũng như mức độ nghiêm trọng khi không may xảy ra tai nạn cho trẻ em, TS Hiếu cho biết thêm, ở Mỹ đã thống kê, rủi ro tử vong giảm đến trên 70% đối với trẻ em dưới 1 tuổi và trên 50% đối với trẻ em từ 1 - 4 tuổi khi sử dụng thiết bị ghế chuyên dụng. Độ rủi ro tai nạn nghiêm trọng cũng giảm trên 40% đối với trẻ em từ 4 - 8 tuổi. Chính vì vậy, việc sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em khá phổ biến ở các nước phát triển với tỷ lệ sử dụng lên đến 90%.
Ngoài ra, theo WHO, thiết bị an toàn cho trẻ em còn giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ chỉ dùng dây an toàn người lớn. Thiết bị an toàn cho lứa tuổi 6-10 tuổi thường là các ghế nâng giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với trẻ không sử dụng.
Theo đánh giá sơ bộ từ báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia trong 3 năm từ năm 2019 – 2021, có khoảng 1.800-2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam và giải pháp này sẽ ngày càng phát huy tác dụng khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng.
Theo bà Hương, ghế ngồi cho trẻ em trên ô tô thì được gọi là thiết bị an toàn, có khả năng giữ cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm ngửa tùy độ tuổi của trẻ sử dụng các thiết bị này. Thiết bị này được thiết kế để giảm nguy cơ thương tích cho trẻ, có tác dụng hạn chế khả năng cơ thể của trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp xe xảy ra va chạm nặng hoặc phương tiện giảm tốc độ đột ngột.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận