Thời tiết nóng nực, lưu ý điều này tránh ngộ độc thực phẩm
Dự báo thời tiết, những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 là đỉnh điểm của đợt nắng nóng đầu mùa. Theo chuyên gia y tế, với thời tiết này mọi người cần lưu ý vấn đề ngộ độc thực phẩm.
Nắng nóng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Thời gian vừa qua, mặc dù mới bước vào mùa nắng nóng nhưng số ca ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng mạnh.
BS Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ: Thời tiết nóng bức cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, nhất là trong đường tiêu hóa sinh sôi và phát triển. Trong khi đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu…
Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày; trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, hiện có 3 nhóm nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, gồm:
Thứ nhất, thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật. Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là vi sinh vật gây bệnh qua đường tiêu hóa như Ecoli, Salmonella, lị… Đây cũng là nhóm nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất ở nước ta, do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh;
Thứ hai, thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến (ví như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…) hoặc do yếu tố chủ đích – chủ động cho hóa chất vào thực phẩm để đầu độc nhau như cho asen- thạch tín, xyanua, thuốc diệt chuột.
Thứ ba, bản thân thực phẩm có độc (chất độc tự nhiên), ví dụ cá nóc, nấm…
"Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay khi đang ăn hoặc vừa ăn xong hoặc trong vòng vài giờ, vài ngày tùy theo yếu tố gây độc trong thực phẩm; có từ 2 người trở lên cùng có biểu hiện tương tự như nhau sau khi cùng ăn uống 1 loại thực phẩm nghi ngờ (người không cùng ăn uống sẽ không bị); thường có kết hợp các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, nôn, đi ngoài", BS Nguyên cho biết thêm về dấu hiệu nhận diện ngộ độc thực phẩm.
Chia sẻ thêm về biến chứng của ngộ độc thực phẩm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, theo BS Vũ, nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Cụ thể, có thể gây rối loạn thần kinh khiến người bệnh nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, có thể nói ngọng, bị tê liệt cơ, gặp tình trạng co giật, đau đầu, chóng mặt; Rối loạn tim mạch làm người bệnh có thể tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, đau ngực; Ảnh hưởng hệ tiêu hóa, người bệnh có thể thấy máu và chất nhầy lẫn trong phân, đau bụng dữ dội và đau ở các vị trí khác như đau cổ, đau họng, đau ngực.
Ngoài ra, ngộ độc khiến sức đề kháng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người lớn tuổi hoặc những người đang điều trị bệnh phải sử dụng các thuốc gây ức chế miễn dịch (đối với các bệnh lý về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố…
Lưu ý gì phòng ngộ độc thực phẩm?
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, theo BS Vũ, người bệnh cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Đặc biệt trong các chuyến du lịch, cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng; chọn các nhà hàng uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Còn BS Trung Nguyên cho rằng: Hầu hết ngộ độc thực phẩm nhẹ đều có thể nhanh chóng ổn định hoặc được giải quyết ngay tại tuyến y tế cơ sở, nhưng cũng có những trường hợp ngộ độc thực phẩm rất nặng nề. Nếu có tình trạng nặng hoặc rầm rộ hoặc dai dẳng, liên tục không đỡ, cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.
Khi không may bị ngộ độc, theo khuyến cáo của BS Nguyên, điều đầu tiên là phải xác định ngay xem có nguy cơ cao rủi ro hay không biểu hiện qua triệu chứng rầm rộ, dai dẳng (đau liên tục không hết, không đỡ); mức độ đau, nôn, mệt mỏi, đi ngoài, biểu hiện thần kinh, đau ngực, lơ mơ, chếnh choáng…; Hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, người có thể trạng yếu, người có bệnh nền…
Khi bệnh nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy… cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu. Đồng thời, theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.
Đối với ngộ độc có nhiều người mắc, hoặc ngộ độc đơn lẻ nhưng nặng, có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để có phương án xử lý kịp thời.
Cùng đó, gia đình, người chứng kiến cần giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, có cách xử trí kịp thời; Giữ lại chất nôn, chất thải để phục vụ nhu cầu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.